Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, Sơn Trà, Đà Nẵng là một trong ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng ở Đà Nẵng. Không rõ là do vô tình hay do chữ duyên mà cả ba ngôi chùa đều được tọa lạc trên những vị thế đắc địa của thành phố Đà Nẵng, tạo thành một “tam giác” linh thiêng trong thành phố. Đó là chùa Linh Ứng Non Nước, nằm trên hòn Thủy sơn của một trong 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Chùa Linh Ứng Bà Nà nằm trên chót vót núi cao của địa danh nghỉ mát “Đà Lạt của miền Trung” và Linh ứng Bãi Bụt, Sơn Trà, nằm lưng chừng núi – bán đảo Sơn Trà. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa.
Chùa Linh Ứng được đặt viên đá táng đầu tiên vào ngày 19/6/2004 âm lịch, sau 6 năm xây dựng ngày 30/7/2010 (nhằm ngày 19/6 năm Canh Dần) thì chính thức khánh thành. Đến nay, chùa vẫn còn tiếp tục xây dựng thêm nhiều hạng mục mới.
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10 km về phía đông bắc, ở độ cao 693m so với mực nước biển, bán đảo Sơn Trà là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho thành phố Đà Nẵng. Dù đứng bất cứ ở đâu trên đất Đà Nẵng đều có thể nhìn thấy ngọn núi này. Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà vững chãi, mặt nhìn ra biển Đông bao la, xa xa bên trái là đảo Cù lao Chàm án ngự, bên phải là ngọn Hải Vân ngăn che với dòng sông Hàn hiền hòa thơ mộng. Tọa lạc trên một ngọn đồi, mang hình con rùa hướng ra biển cả, lưng tựa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với bao chim thú, chùa Linh Ứng-Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà vừa được khánh thành không những được xem là một công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI mà còn là nơi hội tụ của linh khí đất trời và lòng người.
Đặc biệt,chùa Linh Ứng nằm ở một vị trí mà đi từ rất xa trên đường ven biển Sơn Trà Điện Ngọc, du khách đã có thể nhìn thấy ngôi chùa với mái ngói xanh xanh nằm vững chãi bên sườn Đông của bán đảo.Đây được xem là ngôi chùa lớn nhất của thành phố về cả mặt quy mô cũng như về mặt nghệ thuật. Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và trẻ nhất trong 3 ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng, Chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn được biết đến bởi là nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam.
Truyền thuyết, nguồn gốc
Bán đảo Sơn Trà là nơi giao hòa giữa biển trời với núi sông trong khoảng không trầm lặng, với tiếng vỗ rì rầm của biển cả và lời kể về một câu chuyện thuở xưa: Vào thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn, thế kỷ XIX), có một pho tượng phật không biết từ đâu trôi dạt về bãi cát nơi đây. Dân chài ven biển đã phát hiện, cho đó là điềm lành, họ lập am thờ tự. Và rồi, Ngài Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn xuất hiện cứu người vượt vòng trầm luân, kể từ đó sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn. Từ đó, bãi cát nơi mà tượng phật dạt vào có tên gọi là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian, cũng chính là nơi dựng lên chùa Linh Ứng ngày nay.
Trải bao năm tháng thăng trầm của thời gian và lịch sử, được sự hộ trì, động viên khích lệ của Chư tôn thiền đức, sự cho phép và tạo mọi điều kiện của lãnh đạo thành phố, sự ủng hộ của đồng bào phật tử, chùa Linh Ứng-Bãi Bụt qua 6 năm xây dựng, đến nay đã sừng sững trên núi Sơn Trà như minh chứng cho sự kết hợp giữa Đạo pháp và Dân tộc, làm nên một công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI, dâng lên tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương, liệt vị Tổ tiên nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Đặc điểm
Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt sừng sững trên khu đất rộng 20 ha của núi Sơn Trà với những hạng mục chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường, thư viện, nhà ăn, nhà cầu, vườn tượng các vị A-la-hán và hiện còn xây dựng công trình chưa hoàn tất. Ngôi chùa mang một phong cách hiện đại kết hợp với tính truyền thống vốn có của chùa chiền Việt Nam. Bước lần hơn hai mươi bậc thềm đá để bước vào cổng chánh điện. Tại cổng chính là hai câu: “Linh ứng sở cầu như ý nguyện/Sơn Trà Bãi Bụt thật hiển linh”. Ngôi chánh điện được lợp ngói mái uốn cong có hình rồng, những cột trụ to, vững chắc bao quanh bởi những con rồng uốn lượn rất tinh xảo. Đây là một biểu tượng truyền thống của người Việt.
Điện chính có sức chứa lớn, là nơi trang nghiêm và thanh tịnh nhất. Chính giữa thờ tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bên phải thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, và bên trái thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, cả ba pho tượng đều được làm bằng đồng. Bốn vị Thần Long Hộ pháp cùng 18 vị La Hán được sắp xếp thành hai hàng hai bên đường theo một quy luật, bảo vệ cho chính điện. Mỗi vị là một hiện thân của những cung bậc cảm xúc khác nhau “hỉ, nộ, ái, ố” của con người khiến khung cảnh ở đây trở nên sinh động vô cùng. Đây là một trật tự mang tính quy củ và ý nghĩa tâm linh. Du khách nào từng đặt chân đến chùa Linh Ứng đều không khỏi trầm trồ khi chiêm ngưỡng những pho tượng La Hán được khắc họa tinh tế, sắc cạnh nhưng không kém phần mềm mại này.
Tượng Phật nằm trước Tháp Xá Lợi
Hoà thượng Thích Thiện Nguyện cho biết sau lễ khánh thành sẽ tiếp tục xây dựng thêm tượng Phật nhập Niết bàn dài 108m; “Tứ trọng tâm” (gồm “Vườn Lâm Tỳ Ni” khi Phật đản sanh; “Bồ Đề đạo tràng” khi Phật thành chính quả; “Vườn Lộc uyển” khi Phật thuyết pháp và Phật nhập Niết bàn) và giảng đường cho hàng ngàn tăng chúng phật tử tu tập. Dự kiến sẽ kéo dài trong 4 năm nữa mới hoàn nguyện. Đây là công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 21. Điểm nổi bật của ngôi chùa này là tượng Phật Bà Quan Âm lộ thiên tọa lạc trên ngọn đồi cao hơn 100 m, nhìn về Tổ đình Linh Ứng Ngũ Hành Sơn.
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát
Điểm nhấn quan trọng của Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được xem là cao nhất Việt Nam (67m).[2] Tượng đứng tựa lưng vào núi mặt hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lộ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa, mang theo bao lời cầu mong về một vụ mùa sóng yên biển lặng và quốc thái dân an.
Quán Thế Âm Bồ Tát
Công trình hoành tráng này do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công. Trên mão tượng Quán Thế Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Có đường kính tòa sen rộng 35m. Đường kính trong lòng tượng rộng 17m, chiều cao có 17 tầng và mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng vẻ mặt tư thế khác nhau gọi là “Phật trung hữu Phật”. Ngoài các cửa thông gió, tầng 17 trên cùng có cầu thang thông lên đỉnh đầu tượng. Dưới chân đài sen của bức tượng luôn thu hút rất đông du khách và phật tử tới lễ Phật và thưởng ngoạn nét đẹp từ bi của bức tượng có một không hai này. Cảnh quan gian chính điện kết hợp với bức tượng Phật Quan Thế Âm tạo nên một bức tranh toàn cảnh linh thiêng, thanh tịnh mà tao nhã như chốn bồng lai.
Phật Quan Thế Âm Bồ Tát
Từ trên các toà tháp của tượng, du khách thập phương có thể nhìn được toàn bộ cảnh thành phố, núi rừng và biển đảo Sơn Trà một cách hoàn hảo nhất. Phóng tầm mắt ra xa hơn, núi Ngũ Hành Sơn cùng bãi biển bao quanh bởi bờ cát dài trắng mịn đã hiện ra tỏ tường. Sáng sớm khi nắng lên hay lúc chiều về, bầu trời xanh trong cùng gió trời mát mẻ sẽ mang lại cho du khách một ấn tượng tuyết vời mà hiếm nơi nào có thể có được. Về đêm, đứng từ cổng chùa nhìn xuống du khách còn nhìn thấy một vệt sáng dài của ánh đèn thành phố hệt như một vệt sao băng trên bầu trời đêm, đẹp tuyệt vời. Đặc biệt, dù đứng bất cứ ở góc nào trên quần thể này cũng có thể chiêm bái được tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát với phong cảnh sơn thủy hiển linh, trong lúc đang thi công tôn tượng đã có nhiều lần nhận được ánh hào quang chiếu rọi phía sau, trên đầu tôn tượng.
Nơi hội tụ tâm linh
Có thể nói, chùa Linh Ứng-Bãi Bụt được xây dựng trong một quần thể du lịch mới hình thành của thành phố – Khu du lịch bán đảo Sơn Trà, ở một địa điểm đắc địa nhất khu vực này. Địa thế của chùa linh Ứng – Bãi Bụt là nơi giao hòa giữa núi sông, biển trời, và cũng là nơi hội tụ linh khí đất trời và lòng người.
Vườn Lộc Uyển
Với lối kiến trúc độc đáo, phong cảnh núi non, sơn thủy hữu tình, ngôi chùa đã trở thành nơi chiêm bái, sinh hoạt, tu học của tăng ni, phật tử, đồng thời cũng là nơi tham quan của du khách bốn phương. Một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng. Sự ra đời của chùa Linh Ứng đã một lần nữa khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời góp phần tôn thêm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguồn: Wikipedia